Trong khi dạy dỗ con cái, nhiều phụ huynh tưởng rằng đã hết mực thương con, nhưng thực tế lại rơi vào tình cảnh “thương con như thế bằng mười hại con”.
Không phát âm chuẩn mà thích dạy con học… tiếng Anh
Trực tiếp dạy cho con những điều mình không thực sự “chuẩn” là một sai lầm của nhiều phụ huynh. Điều này càng để lại hậu quả nặng nề khi phụ huynh dạy con về ngôn ngữ.
Chị V.V.B, ngụ tại Q.4 (TP.HCM), rất bức xúc khi kể chuyện chồng mình dạy con học nói. Chồng chị B. là người xuất thân từ một tỉnh miền Bắc, khi phát âm theo ngôn ngữ địa phương thường hay bị nhầm lẫn vần “n” và “l”. Những từ đầu tiên chồng chị dạy con nói liên quan 2 chữ cái này, từ lần đầu tiên đã in sâu vào tâm trí các con chị. Đến khi nghe con phát âm sai, chị tìm mọi cách để giúp con sửa sai nhưng hết sức khó khăn.
Không dừng lại ở tiếng Việt, chồng chị B. còn rất tích cực dạy con học tiếng Anh với mong mỏi giúp con tiếp cận sớm với ngoại ngữ. Theo lời kể của chị, anh chồng thường lên mạng tải các chương trình tự học tiếng Anh về học và dạy con cùng học. Từ các đồ vật trong nhà đến những câu mệnh lệnh đơn giản, thay vì sử dụng tiếng Việt thì chồng chị đều yêu cầu con dùng bằng tiếng Anh. “Với vốn tiếng Anh bập bõm như chồng mình thì hệ quả rất nặng nề. Các con của mình giờ cũng thích sử dụng tiếng Anh như cha, nhưng phát âm thì thật không giống ai”, chị B. chia sẻ.
Cái gì cũng làm thay
Phụ huynh ngày nay hay có suy nghĩ con học quá nhiều nên thôi không cho con làm gì cả, cứ tập trung vào việc học.
Con trai bà T.T.C, ngụ tại chung cư Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM, có 2 con gái đang học THCS. Từ nhỏ gia đình luôn có người giúp việc nên 2 cháu không phải đụng tay chân vào bất kỳ việc gì ngoài đi học. “Con gái lớn học gần hết lớp 9 nhưng không biết dọn dẹp việc nhà, từ nấu nướng đến lau nhà, rửa chén… Các việc nhỏ nhặt phục vụ sinh hoạt cá nhân như gấp chăn mền sau khi ngủ dậy cũng không làm nổi. Tôi có nói bố mẹ chúng nhưng các con tôi bảo vì thương con học hành vất vả nên không nỡ giao việc”.
Còn chị Ngọc Hân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) than thở: “Cuối tuần nào cũng phải dọn dẹp phòng cho con trai đang học lớp 4. Quần áo đi học về hôm nào “may mắn” thì cháu bỏ vào giỏ quần áo dơ, còn không áo vắt trên thành giường, quần bỏ dưới đất. Tủ quần áo thì lộn xộn, đến lúc cần dùng đến thì nháo nhào đi tìm”.
Thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng (đồng phụ trách Câu lạc bộ Dạy con nên người) nhìn nhận có nhiều phụ huynh cứ tưởng mình thương con, muốn giúp con nên đã làm thay cho nó nhiều thứ. Họ không hay rằng, trẻ cần có những kỹ năng cơ bản để tồn tại, như tự ăn uống, tự chăm sóc, vệ sinh bản thân… Ông Trọng nói: “Cha mẹ làm thay mọi thứ cho con khiến đứa trẻ không có cơ hội, không có không gian để rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản của nó”.
Một lần câu lạc bộ này tổ chức cho học sinh đi chơi ở Cà Mau. Theo kịch bản chương trình, phụ huynh ngồi yên, để con em mình rửa chén. Có một em 8 tuổi rửa chén xong hỏi ban tổ chức: “Cho con rửa thêm lần nữa nhé?”. Rốt cuộc, cậu bé rửa cái chén đó đến lần thứ ba, với vẻ mặt vô cùng phấn khởi. Theo tìm hiểu của ban tổ chức, hóa ra ở nhà em này không bao giờ được rửa chén.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, cho biết “thế hệ gấu bông” được cha mẹ bảo bọc mọi thứ nên hầu như không khi nào đụng đến việc nhà. Ngay đến việc giặt khăn quàng, giặt giày của mình, các em cũng không biết làm.
Làm cả bài tập giúp con
Với suy nghĩ làm giúp con cho nhanh lại hiệu quả nên nhiều cha mẹ có con ở bậc tiểu học sẵn sàng làm thay con từ môn thủ công đến cả tập làm văn, thậm chí rèn chữ. Điều này dẫn đến thực trạng dù sản phẩm của con được giáo viên đánh giá đạt nhưng đứa trẻ thật sự chưa biết cắt hình, không biết xỏ kim…
Trong khi dạy con học, không ít phụ huynh có tâm lý “nặng nhẹ”, phân biệt môn chính – phụ. Họ sẵn sàng cho con cùng lúc học thêm nhiều nơi môn toán, tiếng Anh và các môn chính khác; về nhà lại rèn thêm các môn này. Còn với các môn chẳng hạn như sử, địa, giáo dục công dân… thì khuyên con làm qua quýt để cho xong. Cũng với suy nghĩ này, rất nhiều phụ huynh không hề quan tâm trong trường con đang học môn thể dục như thế nào, nội dung gì.
Nếu con có chút thời gian rảnh, không nhiều phụ huynh khuyến khích con đọc sách vì cho rằng như thế là phung phí thời gian. Hậu quả là rất nhiều sinh viên hiện nay cho biết ngoài đọc những thứ linh tinh trên mạng, đọc sách chính là sách giáo khoa!